DANH MỤC

Những câu hỏi cần trả lời khi VFF tìm huấn luyện viên mới

Huấn luyện viên nội hay ngoại, châu Âu, Nam Mỹ hay châu Á, có kiêm nhiệm ở đội U23 hay không… là những câu hỏi cần giải đáp khi VFF tìm huấn luyện viên mới thay ông Philippe Troussier.

Sau khi quyết định chấm dứt hợp đồng với ông Philippe Troussier, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hẳn nhiên sẽ phải tìm người thay thế. Và sau bài học được rút ra từ thương vụ với chiến lược gia người Pháp, số gạch đầu dòng về các tiêu chí sẽ tăng thêm để ít nhất là giảm thiểu rủi ro.

Với một trong những tiêu chí đề ra là “am hiểu bóng đá Việt Nam”, người ta dễ phân vân giữa câu chuyện huấn luyện viên nội hay ngoại.

Nhìn lại bảng thành tích của các đời huấn luyện viên, các thuyền trưởng nội ít thành công hơn – kể cả các đấu trường trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, khi mục tiêu của bóng đá Việt Nam vẫn là nâng tầm, hẳn các nhân tố ngoại sẽ được ưu tiên. Vì trình độ, vì kiến thức, vì khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, vì họ đến từ những môi trường bóng đá trình độ cao hơn Việt Nam.

Trở lại với tiêu chí “hiểu bóng đá Việt Nam”, trong những đề xuất ứng viên được đề xuất lúc này có Velizar Popov và Kiatisak đang làm việc tại 2 câu lạc bộ Đông Á Thanh Hoá và Công an Hà Nội. Quả thực, họ hiểu bóng đá Việt Nam hơn so với các ứng viên khác từ bên ngoài, nhưng sẽ cần nhấn mạnh rằng, bóng đá cấp câu lạc bộ và đội tuyển là sự khác biệt. Và nên nhớ, Popov từng thất bại với đội tuyển Myanmar, Kiatisak chỉ có giai đoạn đầu gây ấn tượng cùng Đội tuyển Thái Lan.

Châu Á, châu Âu hay Nam Mỹ?

Mặc dù so sánh chỉ mang tính tương đối nhưng 5 năm ông Park Hang-seo làm việc và 1 năm của ông Troussier cũng đủ để thấy sự khác biệt về phương pháp, thái độ, sự thích nghi.

Xét trên khía cạnh tâm lý, hẳn nhiều người – thậm chí cả các cầu thủ, thiên về khả năng chọn một huấn luyện viên châu Á vì khía cạnh “hiểu văn hoá”. Tuy vậy, nếu bóng đá Việt Nam tiếp tục chọn đi theo con đường về triết lý chủ động, không dễ để tìm một huấn luyện viên châu Á vừa tầm tài chính lại đi theo phong cách đó.

Có nên kiêm nhiệm cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U23?

Dưới thời ông Park Hang-seo và ông Troussier, vai trò huấn luyện viên là sự kiêm nhiệm cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U23. Về mục đích thì ai cũng hiểu là hướng đến tính liên tục và sự hiểu biết thường xuyên giữa cầu thủ với huấn luyện viên, để sự chuyển tiếp từ đội trẻ lên tuyển quốc gia thuận lợi hơn.

Cả 2 đều cho thấy việc đó có thể làm được, khi thỉnh thoảng trộn lẫn trong buổi tập chung lên đến 60 cầu thủ. 1 huấn luyện viên kiêm 2 đội cũng có thể tiết kiệm chi phí, tuy nhiên, hiệu quả có thực sự cao như mong muốn? Thầy Park thành công, nhưng hãy nhớ rằng, cùng huấn luyện viên người Hàn Quốc, tỉ lệ cầu thủ trẻ được đôn lên tuyển quốc gia là không nhiều. Những cầu thủ trẻ mang đến thành công cho đội U23 thì lại vốn đã là thành viên thường trực ở đội tuyển.

Ông Troussier đẩy mạnh hơn số cầu thủ trẻ ở đội tuyển nhưng đó lại là động thái vội vàng, muốn “chín ép” khi bản thân họ còn ít cơ hội thi đấu tại câu lạc bộ.

Và một thực tế khác, khi các sự kiện của đội tuyển và đội U23 diễn ra cùng thời điểm, trợ lý phải là người cầm đội U23, phần nào đó dẫn đến tâm lý cầu thủ không ở trạng thái tốt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chào mừng các bạn đến với Phut89.biz – Thông tin bóng đá hàng đầu tại Việt Nam. Cập nhật tin tức thể thao bóng đá trong nước và quốc tế mới nhất. Thông tin chuyển nhượng, nhận định dự đoán, kết quả, tỷ số trực tuyến, tỷ lệ kèo, BXH, Lịch thi đấu được update theo thời gian thực.

Contact: phut89.biz@gmail.com